Site icon GK88

Không chỉ là một cỗ máy, Erling Haaland còn là một nghệ nhân

Thumb_Haaland

Erling Haaland thường được mô tả như một cỗ máy bóng đá ch.ết chóc “made in Scandinavian”, được tạo ra với mục đích duy nhất là tính toán những cách thức hiệu quả nhất để ghi bàn.

Đây quả thực là một cách thú vị để mô tả một cầu thủ người Na Uy cao 1m94 sở hữu thành tích săn bàn ở tầm đẳng cấp thế giới – cụ thể, chàng trai này đã có 97 lần đưa bóng vào lưới đối thủ sau 102 lần ra sân cho Manchester City.

Hầu hết những bàn thắng của Haaland tại Man City đều là các pha dứt điểm một chạm bên trong vòng cấm – kết quả của việc xuất hiện đúng lúc đúng chỗ. Khả năng di chuyển không bóng cực tinh tế cộng thêm khuynh hướng liên tục “scanning” (quét khối) tình hình quanh mình, đã giúp anh thường xuyên chọn vị trí một cách chính xác, cả về không gian lẫn thời gian.

Phong cách ghi bàn này đã khiến Haaland được mọi người ví như một cyborg (sinh vật nửa người nửa máy) – nhưng nhận xét như vậy là không công bằng. Quan sát kỹ lưỡng hơn những pha dứt điểm của ngôi sao người Na Uy, chúng ta có thể thấy cả sự phong phú về kỹ thuật và tính nghệ thuật trong chúng nữa – không chỉ là một cỗ máy, chàng trai này còn là một “nghệ nhân”.  

Trong mùa giải đầu tiên khoác áo Man City, Haaland chỉ có duy nhất một pha ghi bàn từ bên ngoài vòng cấm, diễn ra trên sân khách trước đối thủ Wolverhampton Wanderers vào tháng 9 năm 2022. Tuy nhiên, điểm đáng bàn nhất trong pha lập công này không phải là nơi Haaland dứt điểm, mà là những gì anh đã làm trước khi thực hiện bước cuối cùng.

Trong ảnh dưới, Haaland nhận bóng bằng chân trái và Maximilian Kilman là đối thủ trực tiếp của anh…

Kilman đã dự đoán rằng Haaland sẽ đẩy quả bóng sang hướng chân thuận của anh – chân trái – và điều đó được thể hiện rõ qua định hướng cơ thể của trung vệ này. Tuy nhiên, tiền đạo người Na Uy chỉ giả vờ rằng anh  sẽ làm thế…

 

…và sau đó đẩy quả bóng qua hướng chân phải của anh, buộc  Kilman phải thay đổi định hướng cơ thể bằng  cách xoay người theo chiều kim đồng hồ…

…và không thể quan sát quả bóng trong giây lát.

Chỉ cần khoảnh khắc ngắn ngủi chưa tới 1 giây đó thôi là đủ để Haaland dứt điểm đưa bóng tới góc dưới của khung thành.

Thật thú vị, ngôi sao người Na Uy đã dứt điểm đúng về phía mà Kilman vừa mới xoay người đi. Điều đó đã khiến cho cú sút của anh càng trở nên khó bị ngăn cản hơn, vì trung vệ này đã hoàn toàn bị đánh lừa và “lực momen xoắn” đang di chuyển cơ thể anh ta sang hẳn hướng khác. 

Một đặc điểm khác của Haaland thường bị dư luận bỏ sót là khả năng sử dụng cả 2 chân để tạo ra góc sút tốt nhất cho bản thân và dứt điểm các cơ hội cực nhanh.

Trong ví dụ dưới đây, diễn ra trước Nottingham Forest vào tháng 4, Kevin De Bruyne đã đưa bóng tới cho Haaland đang ở gần vòng cấm, và cách Murillo định vị bản thân đã buộc tay săn bàn người Na Uy phải “tung chiêu cuối” bằng chân yếu hơn của anh – chân phải. Tiền đạo của Man City đã dùng chân trái để rê bóng vào khoảng trống phía bên phải mình…

…nhưng sau đó nhanh chóng dứt điểm bằng chân phải trước khi thủ môn kịp thu hẹp góc sút. Trong tình huống này, khả năng sử dụng cả hai chân cùng lúc của Haaland đã giúp anh có thể tung đòn dứt điểm nhanh hơn đáng kể so với việc rê bóng bằng chân trái rồi tìm cách điều chỉnh tư thế, định hướng cơ thể để sút bằng chính chân này. 

Một ví dụ gần đây hơn, diễn ra trước West Ham United vào ngày 31 tháng 8. Trong ảnh dưới, Haaland đang chờ nhận bóng từ Rico Lewis bên trong vòng cấm và Emerson Palmieri là hậu vệ ở gần tiền đạo người Na Uy nhất. Lewis chuyền bóng cho Haaland…

…và Emerson chạy về phía anh, nhưng số 9 của Man City đã kiểm soát bóng bằng chân phải, đẩy nó đi ngược với hướng di chuyển của hậu vệ trái này…

…và vẽ nên một đường cong đưa bóng vào góc cao khung thành. Một lần nữa, bằng cách nhận bóng bằng chân phải và dứt điểm bằng chân trái cực nhanh, Haaland đã tiết kiệm được một lượng thời gian đáng kể so với việc chỉ dùng chân trái để làm hết mọi việc.

Một điểm quan trọng khác trong tình huống này là cú đỡ bước một của anh đã đẩy quả bóng đi ngược với hướng  di chuyển của Emerson, điều đó khiến cho việc ngăn cản cú sút trở nên cực kỳ khó khăn đối với hậu vệ trái này, vì trọng tâm cơ thể của anh ta giờ đây đã dồn cả vào chân trái và anh ta đang phải cố cản bóng trong tình trạng mất thăng bằng.

Haaland đã sẵn sàng mạo hiểm với động thái đẩy quả bóng trở lại hướng trung tâm vòng cấm, nơi có ít khoảng trống hơn, thay vì để bóng lăn ngang qua mình, vì sự lựa chọn kia tuy nhiều rủi ro nhưng cũng sẽ mang tới cho anh một góc sút tốt hơn. Và canh bạc của tiền đạo người Na Uy đã thành công, vì Emerson đã bị anh loại bỏ bằng cách “thiết lập” đòn “k.ết li.ễu” của mình ngược với hướng di chuyển của hậu vệ trái này, bên cạnh tốc độ xử lý tình huống cực nhanh nhờ sử dụng cả 2 chân.

Việc Haaland kiểm soát bóng bằng chân trái hay chân phải sẽ tùy thuộc vào tình huống mà anh đang phải xoay sở và vị trí mà anh muốn dứt điểm. Trong ví dụ dưới đây, diễn ra trước Leicester City vào tháng 4 năm 2023, De Bruyne đã chuyền bóng vào hướng chạy của Haaland trong một pha phản công.

Trước hàng phòng ngự rối loạn của đối thủ, Haaland đã dùng chân trái để đẩy bóng vào khoảng trống phía bên trái mình ngay trong cú đỡ bước một, giữ nó tránh xa trung vệ Harry Souttar và thủ môn của Leicester…

…trước khi dứt điểm ghi bàn thắng thứ 2 của mình trong trận đấu này. Tuy sự khác biệt là rất nhỏ, nhưng nếu trong tình huống này Haaland dùng chân phải để đẩy bóng về phía trước, thì gần như chắc chắn là nó sẽ ở rất gần Souttar và thủ môn khi anh dứt điểm, khiến cho việc ghi bàn trở nên khó hơn.

Trong một ví dụ khác, lấy từ trận hòa 1-1 với Liverpool vào tháng 11, Haaland đang đứng giữa Virgil Van Dijk (số 4) và Joel Matip (số 32) khi Nathan Ake chuyền bóng cho anh.

Ban đầu, Haaland đứng ở một vị trí nằm phía ngoài 2 cột cầu môn khi nhận bóng, vì thế, dùng chân trái đẩy bóng ra xa khỏi Van Dijk và thủ môn Alisson sẽ là một sự lựa chọn tồi, vì nó sẽ khiến cho góc sút vốn đã khó trở nên càng hẹp hơn.

Thay vào đó, Haaland đã dùng chân phải để xử lý bóng, tạo khoảng cách với Matip, và cho phép anh nhanh chóng sử dụng chân trái cho hành động tiếp theo…

…khi anh thực hiện bước chuẩn bị cuối cùng trước lúc dứt điểm…

…và đưa quả bóng tới góc dưới cùng của bên phải khung thành.

Ví dụ cuối cùng sẽ được lấy từ chiến thắng 2-0 trước Chelsea vào tháng trước. Trong ảnh dưới, Bernardo Silva chuyền bóng cho Haaland bên trong vòng cấm…

…và ngôi sao người Na Uy tiếp nhận nó bằng chân phải của mình…

…nhưng lại quyết định rê bóng với chân trái thay vì sút luôn…

…sau đó lại dùng tiếp chân phải để có thể dứt điểm nhanh bằng chân trái…

…và cuối cùng đã làm được điều đó với một cú lốp bóng.

Lý do Haaland trì hoãn việc dứt điểm là vì anh đã dự đoán rằng Robert Sanchez sẽ ở lại khung thành chứ không dâng lên.

“Mùa giải trước, Sanchez đã có một pha cứu thua tuyệt vời trước tôi vì anh ấy thường ở lại khung thành,” Haaland chia sẻ với Sky Sports sau trận đấu. “Đó chính là lý do tôi quyết định thực hiện thêm vài nhịp chạm bóng, sau đó anh ấy bị dụ lao ra và tôi biết chính xác mình phải làm gì tiếp theo.”

Thông thường, Haaland sẽ ghi bàn bằng những cú dứt điểm một chạm vì anh đã chọn được cho mình những vị trí quá ngon ăn và đó là phần việc duy nhất còn lại mà anh phải làm. Tuy nhiên, sẽ có những tình huống khác đòi hỏi tiền đạo người Na Uy phải có nhiều nhịp xử lý bóng hơn và anh cũng biết chính xác mình phải làm gì vào những lúc ấy.

Đôi khi, khả năng ghi bàn của Haaland khiến anh trông giống như một con robot, nhưng hãy xem kỹ hơn một chút, bạn sẽ nhận thấy tính nghệ thuật trong đó.

Theo Ahmed Walid, The Athletic

Exit mobile version